Tuesday, February 21, 2017

Yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của Donald Trump gây chia rẽ tại châu Âu


Trong thời gian gần đây, Liên minh châu Âu có lẽ không còn cảm giác như một gia đình nữa, nhưng những người đứng đầu các quốc gia này vẫn tiếp tục cãi nhau như những thành viên một nhà với những chủ đề muôn thuở như tiền bạc và danh dự, đặc biệt là khi họ có một người chú cộc cằn như Donald Trump "đòi nợ" về chi tiêu cho phòng thủ từ đầu kia Đại Tây Dương.


Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần vừa qua, một cuộc gặp gỡ hàng năm của các quan chức cấp cao trên khắp thế giới sẽ được tổ chức tại một khách sạn sang trọng tại thủ đô xứ Bavaria. Thông thường, đó sẽ là cuộc gặp mặt bình đẳng giúp tái khẳng định mối quan hệ xuyên đại dương để chống lại bất cứ mối đe dọa nào mà Mỹ và châu Âu phải đối mặt trong năm đó. Nhưng lần này mọi việc đã khác. 


Dưới sức ép đến từ chính quyền Trump nhằm thực hiện mục tiêu chi trả quốc phòng của NATO hoặc sẽ phải đối diện với những hậu quả, một số chính khách châu Âu đã công khai tố cáo những đồng minh của mình là những người keo kiệt. Những người khác thì cố gắng chơi ngữ nghĩa bằng cách "vặn vẹo" rằng chi tiêu quốc phòng có nghĩa là gì. Những cuộc tranh luận về an ninh châu Âu  rõ ràng có chiều hướng xấu đi rất nhiều trước khi tìm được giải quyết


Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại hội nghị năm nay là Phó Tổng thống Mike Pence với bài phát biểu đôi lúc tạo cảm giác như của một người phục vụ lịch sự thông báo với khách hàng là những thời khắc hạnh phúc của họ đã trôi qua. Ông ta đã nhắc nhở các nhà lãnh đao châu Âu rằng trong 28 thành viên ò liên minh quân sự NATO thì chỉ có 4 quốc gia bên cạnh Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ sử dụng ít nhất 2% GDP của đất nước vào quốc phòng. (Những quốc gia này là Hy Lap, Estonia, Ba Lan, và Vương quốc Anh. Riêng nước Mỹ đã tiêu 650 tỷ đôla Mỹ hằng năm,khoảng 3,6% GDP. Số tiền đó chiếm hơn 70% tổng chi tiêu quốc phòng của tất cả các đồng minh NATO). 
"Hãy để tôi nói rõ về điểm này. Tổng thống Mỹ hy vọng các đồng minh của chúng tôi giữ lời hứa, để thực hiện cam kết này. Và phần lớn, điều đó có nghĩa đã đến lúc cần phải làm nhiều hơn."
Pence đã nói như vậy trong phát biểu của mình. Một tràng pháo tay nổ ra từ phía những đại biểu Mỹ. Nhưng những đại diện châu Âu hầu như không biểu lộ cảm xúc gì, và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không thấy cần phải vỗ tay.

Thay vào đó, bà tiếp tục lập luận rằng an ninh chung vượt quá chi tiêu quân sự. Ví dụ, một số loại viện trợ phát triển nên được tính là chi tiêu quốc phòng, trong thực tế, xây dựng những bệnh viện ở châu Phi có chi phí ngang với dự trữ đạn ở châu Âu. Bà phát biểu tại Munich vào thứ Bảy:
"Khi chúng ta giúp đỡ những người dân ở đất nước họ để họ có một cuộc sống tốt đẹp, giúp ngăn chặn những khủng hoảng, thì đó cũng là một đóng góp cho an ninh. Vì vậy, tôi sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh luận xem ai có đầu óc quân sự hơn và ai thì không."
Thực tế thì rất ít thành viên trong liên minh có đầu óc quân sự kém hơn Đức, phần lớn là vì lịch sử quân phiệt tàn khốc của chính quốc gia này vào nửa đầu thể kỷ 20. Kể từ đó, chính sách quốc phòng của Đức đã được định hướng bởi một cương lĩnh đơn giản và đáng khen ngợi. Nhưng cam kết của Đức với chủ nghĩa hòa bình đã gây khó khăn cho quốc phòng của chính nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Quân đội Đức đã cố tình bị kìm hãm, và họ hiếm khi sẵn sàng hoặc có khả năng tham gia bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào. Thay vào đó, họ đề nghị cung cấp hỗ trợ hậu cần, trong khi các đồng minh của Đức mang gánh nặng của cuộc chiến. 

Vì vậy, ý kiến rằng Đức, hay bất cứ thành viên NATO nào khác, "ghi khống" ngân sách quốc phòng bằng cách chi tiêu nhiều hơn vào phát triển quốc tế không khiến cho Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Liên minh cảm thấy hài lòng. Trong cuộc phỏng vấn với Time vào thứ Bảy tại Munich, ông nói:
"Sẽ không có một sự lựa chọn nào giữa phát triển hay an ninh. Chúng ta cần cả hai."
 Khi được hỏi về đề nghị của bà Merkel về việc một loại chi tiêu có thể được tính vào loại còn lại, Stoltenberg chỉ ra rằng Liên Hợp Quốc đã có một mục tiêu chi tiêu cho phát triển quốc tế - 0,7% GDP. Nhưng đó không tương tự như yêu cầu 2% của NATO cho chi tiêu quốc phòng. Và việc phung phí vào một lĩnh vực sẽ không bồi thường cho việc chi tiêu bủn xỉn vào lĩnh vực còn lại, Stoltenberg đề xuất.
"Trên thực tế, chúng ta cần hòa bình và an ninh để tạo tiền đề cho phát triển."
 Mặc dù cuộc tranh luận có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nó đã chỉ ra một số bất đồng cơ bản vê các mối đe dọa châu Âu đang phải đối mặt. Dọc bờ Đông của NATO, các quốc gia như Ba Lan và các quốc gia khác vùng Baltic quan tâm nhất về mối đe dọa tới từ Nga, quốc gia có đội hình xe tăng và tên lửa dọc theo biên giới với NATO. Nhưng những mối đe dọa đó có vẻ xa vời từ phương diện nước Đức, nơi đang quan tâm hơn về mối hiểm họa tới từ những người tị nạn tràn vào châu Âu từ những xung đột xa xôi ở Trung Đông và châu Phi. 

Sự khác nhau trong quan điểm này đã dẫn đến những cuộc tranh cãi sôi nổi tại Munich. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cung cấp một phiên bản lập luận của bà Merkel về việc coi viện trợ phát triển như một hình thức chi tiêu quốc phòng, ông nhận được câu đáp trả thẳng thừng tới từ Artis Pabriks, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, một thành viên NATO giáp Nga:
"Đối với tôi, là một người Latvia, nghe có vẻ một chút cay đắng khi mà hỗ trợ biên giới và an ninh của quốc gia tôi bị thách thức bởi vì một vài quốc gia châu Âu khác không trả phần đóng góp của họ."
 Gabriel, người đồng thời là phó thủ tướng trong chính phủ của bà Merkel, đáp lại bằng một vài thống kê lựa chọn. Đức sẽ cần phải trả thêm 25 tỷ Euro (26,5 tỷ đôla Mỹ) về quốc phòng trong vài năm tới để đạt cam kết 2% của NATO. Tuy nhiên, đất nước này đã chi tiêu 30 đến 40 tỷ Euro mỗi năm vào chi phí ẩn náu cho những người tị nạn Syria, Iraq, và Afghanistan, "những người đang tràn ngập đất nước chúng tôi vì can thiệp quân sự quá sai lầm cách đây vài năm." - Gabriel phát biểu.

Đó là một lời khiển trách đích danh bất thường nhắm vào Mỹ, Anh, Pháp và những đồng minh NATO khác với những can thiệp quân sự tàn phá nhiều khu vực ở Trung Đông và Bắc Phi. "Nếu chúng tôi giữ những người tị nạn lại, tiếp nhận họ, và ngăn họ đi đến những khu vực khác của thế giới như những chiến binh nước ngoài, đó cũng là một phần của tranh luận mà chúng ta phải có." - Gabriel nói. 

Đó là một lập luận logic, nhưng nó không thể giúp Đức tránh khỏi trách nhiệm để đóng vai trò quân sự lớn hơn nhiều trong những năm tới đây. Bên lề hội nghị ở Munich, một số chính trị gia Đức cũng thừa nhận như vậy. "Chúng tôi phải chứng minh rằng mình là đáng tin cậy. Chúng tôi không thể khoán sự chăm sóc và quan tâm đến an ninh châu Âu cho bên ngoài được, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc."

Trong nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu của những đồng minh NATO, Roettgen đã đề xuất một thỏa hiệp. Ông muốn tăng ngân sách quốc phòng Đức từ từ, khoảng 3 tỷ Euro một năm, hoặc 0,1% GDP. Nhưng kể cả khi ông đủ khả năng để khiên chính phủ và quốc hội Đức phê chuẩn đề nghị đó, thì sẽ mất ít nhất 8 năm trước khi đất nước đạt mức 2%.

Đó không phải một kết quả làm hài lòng Tổng thống Trump. Trong cuộc gặp đầu tiên của những Bộ trưởng Quốc phòng NATO kể từ khi Trump nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng mới của ông James Mattis đã đưa ra một lời cảnh báo cho những quốc gia châu Âu: Nước Mỹ sẽ tiết chế những cam kết của Mỹ với quốc phòng của châu Âu nếu những đồng minh NATO không tăng ngân quỹ vào cuối năm nay. "Mỹ không thể quan tâm cho an ninh tương lai của con cháu bạn hơn bạn được." Mattis đã nói với những Bộ trưởng Quốc phòng châu Âu như vậy ở Brussels vào thứ Tư.

Nếu đó là một lời đe dọa, thì nó có vẻ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những lời Trump nhắm tới NATO trong quá khứ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông đã cảnh báo rằng nếu các đồng mình châu Âu không "hợp lý hoàn trả" Mỹ các chi phí quốc phòng, thì họ nên mong đợi câu nói, "Chúc mừng, bạn sẽ tự bảo vệ mình từ bây giờ". Trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi nhậm chức, ông ta đã đề xuất NATO có lẽ đã "lỗi thời". Những lời phát biểu đó đã reo lên hồi chuông cảnh báo trên khắp châu lục già. Nhưng chúng cũng kêu gọi những người châu Âu liên kết với nhau trong sự phẫn nỗ với sự coi thường của Trump đối với những nguyên tắc cốt lõi của NATO về phòng thủ chung. Trong vài ngày qua, thông điệp họ nhận được từ Mattis và Pence đã gây ra một phản ứng khác. Nó khiến cho những quốc gia châu Âu soi xét lẫn nhau, và túi tiền của nhau, trước khi bắt đầu cãi vã lẫn nhau. 

Source: http://time.com/4676097/donald-trump-nato-spending-germany-merkel/

No comments:

Post a Comment