Monday, April 3, 2017

Dù độc hại, tại sao hút thuốc lá vẫn còn phổ biến trên thế giới?



Rất ít quốc gia đã đưa ra các biện pháp thực sự nghiêm ngặt để hạn chế hút thuốc lá. Chỉ có một quốc gia duy nhất thực hiện đầy đủ các chính sách mà WHO khuyến cáo.

Đã hơn 50 năm kể từ khi cả thế giới biết tới việc hút thuốc lá dẫn tới tử vong, nhưng thói quen này vẫn tiếp tục là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết trên khắp thế giới, với gần 6 triệu người chết mỗi năm. Một nghiên cứu mới được công bố trên Lancet, một tạp chí chuyên đề về y khoa, đã giải thích nguyên nhân tại sao hút thuốc lá vẫn còn phổ biến trên khắp thế giới.
Nguồn: Lancet

Nghiên cứu này đã kiểm tra mối liên hệ giữa tỷ lệ hút thuốc lá và các biện pháp ngăn chặn nó tại 126 quốc gia. Những nhà nghiên cứu đã đánh giá dựa trên 5 biện pháp: đánh thuế để nâng cao giá thuốc lá, những nơi không khói thuốc, các chương trình ngừng sản xuất thuốc lá, nhãn cảnh báo trên bao thuốc lá và cấm quảng cáo sản phẩm này.

Họ đã đánh giá 126 quốc gia này và cách họ ban hành những chính sách ở mức độ nghiêm nghặt mà WHO khuyến cáo trong khoảng thời gian giữa năm 2007 và năm 2014. Ví dụ, thuế thuốc lá phải ít nhất 75% giá bán lẻ của những nhãn hiệu phổ biến nhất và các quốc gia cấm tất cả các hình thức quảng cáo bao gồm bảng quảng cáo, khuyến mại giảm giá và quyền tài trợ của các công ty thuốc lá.

Các quốc gia càng áp dụng nhiều biện pháp thì hiệu quả giảm hút thuốc lá càng cao từ năm 2005 đến năm 2015. Ở mỗi nước đưa ra 3 trong 5 biện pháp đã đề cập ở trên, thì số người hút thuốc đã giảm trung bình khoảng 1/5.

Nhưng đa số các quốc gia còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn thói quen hút thuốc lá. Trong 10 năm nghiên cứu, một quốc gia trung bình chỉ có thể giảm từ mức ban đầu là 25% xuống còn 22%, một con số khá khiêm tốn. Vào năm 2014, chỉ có khoảng dưới ¼ các quốc gia trong nghiên cứu áp dụng mức độ nghiêm ngặt nhất của một trong 5 biện pháp.   

Không phải các quốc gia phát triển, Thổ Nhĩ Kỳ mới là đất nước duy nhất tuân theo tất cả 5 biện pháp theo kiến nghị của WHO. Chính sách thuế cao, cách hiệu quả nhất để giảm hút thuốc lá một cách nhanh chóng (đặc biệt là ở các quốc gia nghèo) lại chủ yếu giới hạn ở châu Âu.

Theo chiều ngược lại, trong tổng số 40% các nước không ban hành bất cứ chính sách nghiêm ngặt nào về thuốc lá, thì gần một nửa là nằm ở châu Phi và Trung Đông. Hệ quả là 22 quốc gia nằm ở 2 khu vực này là những nơi có thói quen hút thuốc đang tăng cao.

Tương tự, các quốc gia với dân cư đông đúc như Ấn Độ, Trung Quốc, và Indonesia cũng không thực sự nghiêm túc trong cuộc chiến chống hút thuốc lá khi các nước này cũng không ban hành bất cứ một chính sách nghiêm ngặt nào trong 5 biện pháp WHO khuyến nghị từ năm 2007 đến năm 2014. Trong khi, may mắn là tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ người hút thuốc vẫn giảm nhẹ trong giai đoạn này, lần lượt ở mức khoảng 3% và 5%, nhưng tỷ lệ hút thuốc tại Indonesia lại tăng khoảng 7%.   

Cuộc chiến chống hút thuốc lá còn lâu mới đi đến hồi kết. Nghiên cứu của tạp chí chuyên đề Lancet cho thấy rõ ràng tại các quốc gia nơi hút thuốc lá vẫn còn phổ biến, phần lớn lỗi nằm ở chính quyền và chính sách lỏng lẻo về thuốc lá.  




No comments:

Post a Comment