Wednesday, March 8, 2017

Chia tay và bỏ việc có thể khiến bạn hạnh phúc hơn


Là con người, ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên khi con đường dẫn tới  hạnh phúc trở nên bế tắc, ít người có đủ dũng cảm để từ bỏ và chọn lựa một lối đi mới khiến mình vui vẻ hơn.



Cuộc sống là một hành trình, và đã là hành trình thì sẽ luôn có những khó khăn, thử thách chờ đón bạn ở phía trước. Những thử thách đó có thể là một mối quan hệ độc hại hay một công việc đã không còn mang lại cảm hứng. Dù từ bỏ rõ ràng là một lựa chọn hiển nhiên, nhưng đó chưa bao giờ là một lựa chọn dễ dàng.
Nguyên nhân khiến cho bạn do dự.
Nguyên nhân thứ nhất đến từ một quan niệm sai lầm “Người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc, kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng.” Trong một số trường hợp, lời khuyên này được dùng để cổ vũ tinh thần khi bạn cảm thấy nản lòng. Nhưng bạn cần phải nhận thức rằng không phải khi nào nó cũng đúng, nhất là khi một công việc hay một mối quan hệ đang ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của bạn. Khi đó, từ bỏ không thể hiện sự yếu đuối, mà nghĩa là bạn đã biết ưu tiên đúng mức hạnh phúc của bản thân.
Nguyên nhân thức hai là chi phí chìm (sunk cost fallacy) - quyết định của bạn bị ảnh hưởng bởi những khoản đầu từ tình cảm, và bạn đầu tư tình cảm vào cái gì càng nhiều thì bạn càng khó từ bỏ nó. Ví dụ, với một công việc bạn đã gắn bó 5 năm, bạn hẳn đã đầu tư rất nhiều thời gian, sức lực, và có một mối quan hệ khá tốt đẹp với những đồng nghiệp. Thật khó có thể nói lời tạm biệt và bắt đầu lại từ đầu với một công việc khác hoàn toàn mới, với những đồng nghiệp hoàn toàn xa lạ. Viễn cảnh đó dễ khiến bạn cảm thấy lo lắng, băn khoăn, và tự hỏi liệu bạn có ân hận về quyết định từ bỏ của mình trong tương lai hay không.
Vì những lo lắng này thường xuyên diễn ra nên bạn có xu hướng quên đi chí phí cơ hội. Khi đưa ra một quyết định,  bạn bỏ qua cơ hội làm một việc khác. Ví dụ, khi quyết định ở lại tại một công ty đã không còn khiến bạn hạnh phúc, bạn có thể đã vuột mất một cơ hội làm việc tại một công ty khác có môi trường làm việc tốt hơn, với mức lương hậu hĩnh hơn, và có khả năng được cân nhắc thăng chức nhanh hơn.
Theo Ziad K. Abdelnour, “Một trong những quyết định khó khăn nhất mà bạn phải đối mặt trong cuộc sống là lựa chọn từ bỏ hay tiếp tục cố gắng hơn.”.
Nếu như trong tình yêu, một vấn đề thiên nhiều về cảm xúc, bạn có thể nghĩ ngay đến việc chia tay khi mối quan hệ không còn đem lại cho bạn cảm giác hạnh phúc, thì trong công việc, có nhiều yếu tố bạn cần phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
Một trong những yếu tố tiên quyết chính là sự đam mê. Hãy nhớ lại cảm giác vô cùng phấn khích khi bạn mới nhận việc, bạn đã cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi nhận được những đánh giá tích cực từ sếp hay khi làm việc cùng những đồng nghiệp mới, bạn đã vừa cảm thấy bị thách thức những cũng thích thú với công việc của mình. Bây giờ, hãy quay trở về với hiện tại, liệu bạn vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với công việc của bạn như khi bạn mới bắt đầu không?
Một yếu tố khác là định hướng. Bạn cần đặt ra những câu hỏi sau cho bản thân mình. Bạn đã làm vài năm trong công việc của mình, công việc của bạn có như những gì bạn mong đợi trước khi bắt đầu hay không? Bạn đã trải nghiệm và nhìn thấy những gì mà ban đầu bạn nghĩ tới không? Bạn có đang đi đúng hướng không hay bạn đang để cho khối lượng công việc và những lời biện hộ của chính bản thân cản trở mình trên con đường đạt tới và duy trì hạnh phúc trong công việc?
Yếu tố cuối cùng bạn cần cân nhắc là sự phát triển. Phát triển cùng một người đã đủ khó khăn. Phát triển cùng cả một tổ chức thậm chí còn thách thức hơn nhiều. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của bạn. Bạn đã học được những kỹ năng mới bên ngoài để hoàn thành công việc của mình nhanh hơn chưa? Bạn đã làm mới những “tuyệt chiêu” của mình và trưởng thành với tư cách của một nhà nghề hay vẫn chỉ loay hoay với những kỹ năng cũ đã gắn bó với bạn trong vài năm qua? Con đường thăng tiến của bạn mở rộng hay rất khó khăn?

Không chỉ riêng bạn, hàng ngàn người cũng đang phải đứng trước những quyết định tương tự. Vì vậy, sau khi trả lời những câu hỏi trên, hãy thật sáng suốt trong lựa chọn của mình, và làm những gì mà bạn cho rằng sẽ đem lại cho bạn hạnh phúc, kể cả khi sự lựa chọn đó bao gồm chia tay và bỏ việc.
K. Nguyễn

No comments:

Post a Comment