Singapore có một trong những nền giáo dục hàng đầu trên thế giới. Nhưng
quốc gia này mong muốn lần cải cách hệ thống giáo dục tiếp theo tập trung vào
việc giữ cho học sinh, sinh viên có thái độ học tập tích cực và sôi nổi. Tiến
sĩ Lim Lai Cheng, cựu hiệu trưởng của Học viện Raffles danh tiếng ở Singapore
và giám đốc của Đại học Quản lý Singapore (SMU) giải thích cho việc đẩy mạnh
phát triển cả nhân cách và trình độ của học sinh, sinh viên.
Không phải ngẫu nhiên mà Singapore đã tạo dựng được một
trong những nền giáo dục có thành tích tốt nhất trên thế giới trong suốt 5 thập
kỷ qua.
Con đường dẫn tới
thành công ở Singapore đã luôn tập trung vào các chứng chỉ học thuật dựa trên
thành tích. Hệ thống tập trung này đã giúp Singapore tạo ra sự gắn kết xã hội,
sự thống nhất về mục đích giữa những trường học và một tinh thần làm việc chăm
chỉ khiến nhiều quốc gia khác phải cảm thấy ghen tị.
Tuy nhiên mục đích của hệ thống giáo dục này đã thay đổi và
Singapore của năm 2017 không còn là một nhà nước non trẻ của năm 1965.
Các trường học đã trở nên phân tầng, tính cạnh tranh cũng
tăng lên. Những gia đình có điều kiện hơn hỗ trợ con cái họ học thêm bên ngoài
trường tốt hơn, ví dụ như các lớp học Toán, Tiếng Anh bổ túc, các lớp khiêu vũ
và âm nhạc. Còn những gia đình không đủ khả năng chi trả phải trông chờ vào
chính động lực của những đứa con và sự giúp đỡ của trường học để theo kịp những
đứa trẻ có điều kiện hơn.
Vì vậy, lần cải cách hệ thống giáo dục tiếp theo sẽ phải đảm
bảo rằng Singapore có thể xây dựng được một xã hội công bằng và vững mạnh hơn đồng
thời phát triển năng lực cho nền kinh tế mới, một nền kinh tế kỹ thuật số.
Các chính sách của
chính phủ đang chuyển dần sự ám ảnh về điểm số không lành mạnh của cha mẹ và học
sinh đến sự quan trọng của các tiêu chuẩn về ứng xử, đạo đức.
Các trường học đã được khuyến khích, đặc biệt là những năm đầu
tiểu học, loại bỏ các kỳ thi và tập trung vào sự phát triển toàn diện của trẻ.
Những “bảng điểm đánh giá tính cách” và những “cuốn nhật ký học tập” đã trở
thành yếu tố quan trọng tại nhiều trường học cho phép phụ huynh theo dõi quá
trình phát triển xã hội của con cái họ.
Một số trường đã áp dụng phương pháp tập trung vào sức khỏe và hạnh
phúc của học sinh, sinh viên. Phương pháp này được phổ biến bởi Tiến sĩ Martin
Seligman, giám đốc Trung tâm Tâm lý Tích cực (Positive Psychology Center) tại Đại
học Pennsylvania của Mỹ.
Mô hình của Tiến sĩ Seligman chủ trương gắn liền thành tích
học tập với sức khỏe và hạnh phúc, và sự dạy dỗ tại nhà trường tốt nhất phải
bao gồm việc giáo dục trẻ em về các tiêu chuẩn ứng xử, đạo đức và về phát triển
tính cách, cũng như cách giao tiếp tốt với những người xung quanh, đặt ra những
mục tiêu cho bản thân và hành động để đạt được những mục tiêu đó.
Giáo dục tích cực, một
phong trào đang trên đà phát triển ở khắp nơi trên thế giới, tạo ra một nền văn
hóa trường học mà ủng hộ những mối quan hệ có thể tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau
thay vì gây gổ, cạnh tranh, hay đố kỵ. Đó là một phương pháp tập trung vào
các kỹ năng cụ thể giúp học sinh xây dựng những cảm xúc tích cực, rèn luyện
tính kiên cường, khuyến khích sự quan tâm và một lối sống lành mạnh.
Phương pháp này đã
thành công với những trường cố gắng triển khai các giáo trình mới cho giáo dục
nhân cách và giáo dục công dân trong suốt 3 năm qua. Theo chương trình mới
này, thì ở cấp tiểu học, điều quan trọng là thời gian các bé ở cùng với gia
đình và cách mà cha mẹ nên làm để đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục
những tiêu chuẩn ứng xử, đạo đức cho con cái. Đối với cấp 2 và 3, những chương
trình “tiêu chuẩn hành động” là cốt lõi trong việc giáo dục những thanh niên
Singapore biết cảm thông, có trách nhiệm với xã hội và trở thành những công dân
tích cực.
Ví dụ, những học sinh làm cho các dự án phục vụ người cao tuổi,
tiếp xúc với lao động nhập cư và đọc truyện cho các bé tại các trường mầm non.
Cũng có những yêu cầu cho việc tuyển sinh linh hoạt hơn vào
các trường thuộc top đầu. Các đặc điểm tính cách như sự nỗ lực, tính kiên cường
và đam mê cũng cần được cân nhắc đến trong yêu cầu tuyển sinh tại các trường
này.
Để tăng cường sự bình đẳng, bộ giáo dục cũng đã cố gắng chia
các nguồn đầu tư, hỗ trợ cân đối giữa các trường bằng cách luân phiên các hiệu
trưởng có kinh nghiệm làm việc tại các trường cần nhiều sự quan tâm hơn và chú
ý nhiều hơn đến các học sinh, sinh viên có kết quả học tập không tốt bằng cách
tăng cường đào tạo nghề và kỹ năng cho họ.
Thành công giờ không
chỉ được đánh giá bằng điểm số như trước đây nữa. Các nhà lãnh đạo của chính phủ
đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn cho nó.
Các phương tiện truyền thông và các trường danh tiếng đã
không còn được khuyến khích giới thiệu sinh viên hàng đầu và thành tích học tập
của họ nữa.
Một sáng kiến khác trên toàn quốc có tên gọi SkillsFuture. Theo
sáng kiến này thì mỗi người Singapore từ 25 tuổi trở lên sẽ được nhận ngay 500
SGD (khoảng 8 triệu đồng) trong lần đầu tiên để sử dụng vào việc học hành, xây
dựng tinh thần tự chủ và theo đuổi đam mê của họ.
Người Singapore có thể dễ dàng đăng ký, mở rộng hoặc mài dũa
các kỹ năng của họ hoặc bắt đầu một sở thích mới thông qua một ngân hàng dữ liệu
trực tuyến với ít nhất 10 000 khóa học.
Các cố vấn về giáo dục
và hướng nghiệp cũng có mặt ở các trường từ tiểu học cho đến trung học phổ
thông, giúp học sinh nuôi dưỡng nhận thức về bản thân, sự tự định hướng và những
kỹ năng sống. Những cố vấn có kinh nghiệm trong ngành kinh doanh sẽ giúp học
sinh khám phá ra những lựa chọn khách nhau về giáo dục và nghề nghiệp. Họ có khả
năng giúp học sinh nắm được thông tin về các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế
kỹ thuật số, để học sinh có thể được nhiều hơn những kiến thức chỉ nằm trong
sách vở.
Đây là một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn – nhấn mạnh vào các
tiêu chuẩn ứng xử, đạo đức, tính cách, và cố gắng để cải thiện mối liên hệ giữa
trường học và nghề nghiệp. Đó là công cuộc tìm kiếm công thức tiếp theo cho nền
giáo dục tại Singapore.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/news/business-39142030
No comments:
Post a Comment